Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 2/4 diễn biến tích cực khi giá dầu thô có phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử, xoa dịu đi lo ngại về thiệt hại của các công ty năng lượng cũng như việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt lên kỉ lục mới.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 470 điểm, tương đương 2,2%, và đóng cửa ở 21.413 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,3% và 1,7%.
Phiên giao dịch 2/4 chứng kiến nhiều biến động dữ dội khi nhà đầu tư đánh giá các tin tức trái chiều nhau. Tại đỉnh của phiên, Dow Jones tăng hơn 534 điểm; lúc thấp nhất, chỉ số này giảm hơn 200 điểm.
Trao đổi với CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Mohammad Bin Salman của Arab Saudi và ông kì vọng cả hai quốc gia này sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 10-15 triệu thùng dầu mỗi ngày. Về sau thông tin này cũng được ông Trump đăng tải lên Twitter cá nhân.
Đầu tháng 3 vừa qua, Nga và Arab Saudi không đạt được thống nhất về cắt giảm sản lượng khai thác, dẫn tới việc cả hai nước tăng mạnh sản lượng và bước vào cuộc chiến giá dầu.
Trong khi đó, nhu cầu dầu trên thế giới lại tụt dốc không phanh do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Hệ quả là giá dầu thô WTI và Brent giảm 65-66% trong quí I vừa qua. Nhiều nhà phân tích còn dự báo giá dầu có thể giảm về 0, thậm chí có thể xuống dưới 0 do thế giới hết kho chứa.
Sau phát biểu của ông Trump, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tăng 24,67% lên 25,32 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử được ghi nhận.
Tương tự, giá dầu thô Brent cũng có phiên tích cực nhất từ trước đến nay khi tăng 21% lên 29,94 USD/thùng.
Các nhà đầu tư theo dõi sát thị trường dầu mỏ vì loại hàng hóa này có ảnh hưởng rất lớn tới các thị trường tài chính khác. Giá dầu giảm sâu tới 65% trong quí I vừa qua khiến cho nhiều nhà đầu tư dầu mỏ thua lỗ nặng nề và phải bán bớt tài sản ở các thị trường khác để bù lại.
Giá dầu xuống thấp còn gây tổn hại cho ngành công nghiệp dầu đá phiến – một ngành có ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế cũng như tình trạng việc làm của Mỹ.
Khi giá dầu hồi phục, các cổ phiếu năng lượng Chevron và Exxon Mobil cũng tăng lần lượt 11% và 7,7% trong phiên 2/4, dẫn dắt đà tăng của chỉ số Dow Jones. Nhóm cổ phiếu năng lượng của chỉ số S&P 500 cũng nhảy vọt tới 9,1%.
Thị trường chứng khoán tăng điểm bất chấp số liệu thất nghiệp thê thảm chưa từng thấy trọng lịch sử. Bộ Lao động Mỹ sáng 2/4 cho biết trong tuần kết thúc ngày 28/3, nước Mỹ có thêm 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, cao gấp đôi kỉ lục vừa thiết lập tuần trước là 3,3 triệu.
Như vậy trong hai tuần đại dịch COVID-19 lan nhanh ở Mỹ, đã có 10 triệu người Mỹ xin trợ cấp mất việc làm.
Bà Liz Ann Sonders – Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab nhận định: “Tôi nghĩ số liệu mà Bộ Lao động vừa công bố vẫn còn thấp hơn con số thực tế do hệ thống xin trợ cấp thất nghiệp bị quá tải và nhiều người không đăng kí được. Cho dù có tính toán đúng số liệu thì tôi cho là kịch bản tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước”.
Bà Irina Novoselsky – CEO của công ty môi giới việc làm trực tuyến CareerBuilder trao đổi với CNBC: “Tôi đã trải qua cả cuộc Đại Suy thoái 2009 và vụ khủng bố 11/9 năm 2001. Những gì đang diễn ra hiện nay còn tồi tệ hơn cả hai biến cố đó”.
Mỹ hiện nay đã ghi nhận 244.000 ca dương tính với COVID-19, cao nhất trên toàn thế giới, theo sau là Italy, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc. Về số ca tử vong, Mỹ đã ghi nhận hơn 5.900 trường hợp, cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Italy và Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới hiện đã vượt mốc 1 triệu với số ca tử vong là 53.000.