Khủng hoảng Covid-19 có thể sẽ thay đổi cách mà tiền tệ được tạo ra

Henry

Tạo ra một đồng đô la kỹ thuật số từng được cho là một “giấc mơ xa vời” cho đến khi cuộc khủng hoảng bởi virus Covid-19 xảy ra. Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng Mỹ và về cơ bản sẽ làm thay đổi toàn bộ lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Sự lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới và việc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Tính đến thời điểm này, Covid-19 đã lây nhiễm cho khoảng 1,3 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người trên khắp thế giới.

Có thể nói Covid-19 là một đại dịch khủng khiếp chưa từng thấy: về sự lây lan của nó thông qua một thế giới toàn cầu hóa; trong quy mô phản ứng của chính phủ và cách mọi người phản ứng trên các phương tiện truyền thông.

Hậu quả kinh tế của việc nhiều quốc gia đóng cửa được dự báo sẽ kéo dài trong suốt thế kỷ này và theo đó, cách thức mà tiền được tạo ra, phân phối và chi tiêu cũng sẽ không giống như trước.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có kế hoạch đưa ra gói hỗ trợ trị giá 4 nghìn tỷ USD, bơm hơn 1 nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong những tuần gần đây. Chủ tịch Jerome Powell hứa hẹn mức độ in tiền chưa từng thấy và gọi đó là “nới lỏng định lượng đến vô cùng” thông qua chương trình mua trái phiếu không giới hạn.

Fed cũng đã cắt giảm lãi suất chuẩn xuống gần bằng 0 và đảm bảo các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục cho vay đối với các công ty, thành phố và các tiểu bang. Tất cả đã được thông qua, các biện pháp “phi thường” dự kiến ​​sẽ khiến bảng cân đối của Fed tăng thêm 4,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, vượt xa mức tăng trưởng của nó trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các bộ trưởng tài chính của khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cũng dự kiến ​​sẽ phê duyệt các gói tài trợ mới cho các quốc gia đang vật lộn với đại dịch Covid-19 trên khắp lục địa.

Theo tính toán của tờ Financial Times, các cơ quan quản lý tài chính trên toàn cầu cũng đã giải phóng khoảng 500 tỷ USD để giúp các ngân hàng “xoa dịu tổn thương” mà đại dịch Covid-19 gây ra. Tất cả đều hy vọng rằng điều này sẽ giúp tín dụng được duy trì trơn tru mặc dù rất nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động nhưng sẽ phần nào đẩy lùi được hậu quả của cuộc khủng hoảng này.

Bất chấp hành động phối hợp với quy mô lớn của các ngân hàng trung ương và chính phủ trên khắp thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang đi đến sự suy thoái lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng gần 100 năm trước.

Các biện pháp kích thích kinh tế kỷ lục liên tiếp được tung ra cùng với những yêu cầu của chính phủ các nước nhằm hạn chế chi tiêu của người dân. Với tình trạng này, không một ai chắc chắn được những tác động ngắn, trung hay dài hạn của cuộc khủng hoảng lần này sẽ là gì.

Ngoài các thiệt hại kinh tế và việc những giới hạn chính sách tiền tệ bị phá vỡ, cách mọi người thanh toán cũng đã thay đổi. Việc sử dụng tiền mặt đã giảm đáng kể, điều này khiến việc thanh toán qua các loại thẻ như Visa và Mastercard được ưa chuộng hơn cả trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này.

Ở Anh, việc sử dụng tiền mặt đã giảm 50% trong một vài ngày vào tháng trước khi các cửa hàng đóng cửa và mọi người trở nên lo lắng hơn về việc tiền xu có thể truyền virus”, nhà điều hành ATM lớn nhất của Anh cho biết.

Các cửa hàng trên khắp thế giới, bao gồm một số chuỗi siêu thị và cửa hàng tạp hóa, đã chọn chỉ chấp nhận thanh toán thẻ và từ chối tiền mặt. Đó là một sự thay đổi mà họ nói là chưa có tiền lệ và chỉ mới xuất hiện trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Kế hoạch tạo ra một đồng đô la kỹ thuật số từng được cho là một “giấc mơ xa vời” thì cho đến gần đây, đã xuất hiện trên một dự thảo ban đầu của dự luật kích thích liên đảng của Mỹ với trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng Mỹ và về cơ bản sẽ làm thay đổi toàn bộ lĩnh vực tài chính.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 1 năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sau 5 năm nghiên cứu (bắt đầu từ năm 2014), cho biết đã sẵn sàng phát hành đồng tiền Nhân dân tệ phiên bản điện tử (DCEP). Theo PBoC, đồng DCEP không phải là tiền ảo vì giá trị của nó được cố định vào giá Nhân dân tệ chứ không phải được định giá theo thị trường như Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác.

Theo Reuters đưa tin hôm 20/2, Thụy Điển – nước ít phụ thuộc vào tiền mặt nhất trên thế giới, cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm tiền kỹ thuật số e-krona. Theo ngân hàng trung ương Thụy điển (Riksbank), nếu e-krona được đưa vào lưu thông, nó sẽ được dùng để mô phỏng cho các hoạt động giao dịch ngân hàng hằng ngày như thanh toán, gửi tiền và rút tiền từ ví kỹ thuật số như ứng dụng điện thoại di động. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Pháp cũng có kế hoạch thử nghiệm dự án đồng euro kỹ thuật số vào cuối quý đầu năm 2020.

Mới đây nhất, hôm 6/4, ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết đã đưa ra một chương trình thí điểm để thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số từ tháng trước và sẽ kéo dài đến tháng 12 năm 2021. Chương trình 22 tháng này nhằm xác định các quy định kỹ thuật và pháp lý cần thiết để tạo và phát hành một loại tiền kỹ thuật số.

Những biến động kinh tế và tiền tệ gần đây cũng đã giúp một số tài sản kỹ thuật số khan hiếm như Bitcoin dần lấy lại giá trị, và những người ủng hộ thì tin rằng tiền điện tử là đồng tiền tương lai. Trong năm 2017, giá Bitcoin đã tăng vọt từ dưới 1.000 USD/BTC vào đầu năm lên khoảng 20.000 USD/BTC trong vòng 12 tháng, phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng từ những người mong muốn không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này. Giới chuyên gia nhận định một điều tương tự có thể sắp xảy ra một lần nữa, mặc dù với những lý do hoàn toàn khác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here