Cách phân biệt các loại Broker khác nhau – Sàn Ôm

Henry

Bây giờ là thời đại bùng nổ của đủ thứ loại Forex Broker, nào là Dealing Desk Broker(DD), hay No Dealing Desk (NDD), rồi thì Straight Through Processing (STP) nữa, nghe loạn cả não lên. Ở Việt Nam, từ dân dã mà anh em hay dùng là “sàn ôm” hay “sàn chuyển” đó. Bài viết dưới đây nhằm giúp anh em phân biệt rõ hơn tý các loại Broker này.

Về cơ bản, từ ngữ mà dân Việt chúng ta xài là chính xác. Sàn sẽ chia làm 2 loại, hoặc là “ôm” hoặc là “chuyển”, có điều sẽ còn vài cái lắt léo hơn tý chút. Hãy xem hình minh họa dưới đây cho rõ hơn nhé.

Trước tiên hãy tìm hiểu phần Sàn ôm – Dealing Desk

Sàn ôm còn có một tên gọi khác là Market Maker (Nhà cái), tức là tự nó xây dựng một hệ thống khớp lệnh nội bộ nhau, và đánh tay đôi lệnh với khách nếu cần thiết.

Ví dụ, sàn đó tổng khách mua vào 50 lot vàng, đồng thời tổng khách bán ra 50 lot vàng thì sàn sẽ tự động khớp lệnh giữa lượng mua và bán cân nhau này (hedging), sàn trung gian đứng giữa thu phí chênh lệch mua bán của 2 bên (spread). Trường hợp này quá đẹp. Tuy nhiên, đời có phải lúc nào cũng hoàn hảo vậy đâu. Sẽ có 2 trường hợp phát sinh, một là đầu vào có khối lượng lệnh không tương thích nhau, hai là sau khi đã hedging mà vẫn còn dư ra 1 bên mua hoặc bán (vd như có 50 lot mua mà chỉ có 20 lot bán). Lượng lot dư ra này đặt Nhà cái trước 2 hướng xử lý : (1) tự ôm, tức là vào lệnh ngược khách hoặc chấp nhận các lệnh này, khách ăn mình thua và ngược lại; (2) chuyển lệnh này lên thị trường liên ngân hàng (Interbank) cho sàn khác…nó ôm, hoặc cho các Nhà cái lớn (JP Morgan, Barclay…) ôm.Nếu Nhà cái chọn kiểu (1) thì gọi là ôm toàn phần, nếu chọn kiểu (2) thì gọi là Ôm 1 phần (hybric hay sàn … pede cũng được)

Cái tên Dealing Desk (DD) là tên gọi của bộ phận giao dịch của sàn. Bộ phận này sẽ đóng vai trò vừa đánh chặn, vừa trade ngược trader, vừa đẩy lệnh, quyết định cho vào hay đá lệnh ra. Nói chung, nó nắm quyền sinh sát cho cái lệnh của bạn. Nhiều khi giá thị trường biến động đến gần mức dừng lỗ – SL – của bạn, dealing desk sẽ giúp bạn luôn bằng cách….đẩy giá thêm 1 chút để dính SL. Hoặc tự nhiên giá lên đến gần Chốt lời – TP – rồi không thèm lên nữa mà đi ngang chơi… Hàng loạt chuyện vui khác với DD mà nếu bạn trading đã đủ lâu, bạn sẽ được nếm trải.

Thường điểm để nhận ra sàn DD là sàn hay dùng spread cố định (fixed spread) vì lời lỗ do sàn tự xử lý, và spread là sàn ăn trọn gói. Giờ ra tin, do sự chênh lệch khối lượng mua bán (nghiêng hẳn về 1 bên) thường khiến thị trường rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản và giá chạy 1 phía. Để tránh rủi ro, sàn ôm sẽ đá lệnh bạn nếu bạn đánh đúng xu hướng, bằng cách chặn lệnh vài giây và xem những lệnh vào tại thời điểm đó thì lệnh nào vào thuận hướng thì sẽ…đá ra, còn lệnh nào vào ngược hướng thì…cho khớp. Điều này thường xảy ra với các broker nhỏ, hay ăn gian khách hàng để kiếm tý cháo. Nếu phát hiện broker kiểu này thì nghỉ luôn cho khỏe nhé.

Thông thường, sàn ôm cũng phân biệt tài khoản “tùy loại mà ôm”. Thường các tài khoản nhỏ, dưới 5.000 USD (con số đại khái, tùy theo sàn) thì sàn ôm luôn vì đa số đây là tài khoản của người mới tập trade, và loại trader mới như này thường sẽ “cháy” không sớm thì muộn. Tuy nhiên, nếu quan sát và thấy các tài khoản này ăn tiền đều đặn, sàn sẽ “chuyển” lệnh lên interbank hoặc dùng các biện pháp nghiệp vụ như làm chậm lệnh, cho trượt giá (slippage), làm khó chốt lệnh, offquote…để làm khách chán nản mà tự nghỉ, sàn không mang tiếng là đuổi khách.

Tuy nhiên, “ôm” không phải lúc nào cũng chơi xấu và chơi đểu. Vì bản chất “sàn ôm” – market maker (MM) – là cơ bản của thị trường. Phải có MM thì thị trường mới có thanh khoản được. Các sàn ôm dạng “hàng khủng” như các ngân hàng hàng đầu thế giới hoặc các tổ chức tài chính lớn, nằm trong các hiệp hội có uy tín như NFA, CFTC của Mỹ, FCA của Anh, FINRA của Thụy Sỹ thì hoàn toàn có thể tin tưởng. Uy tín, khả năng tài chính lớn cùng lượng khách hàng phong phú giúp họ có thể chơi sòng phẳng với bạn mà không cần phải chơi xấu.

Vì vậy, lời khuyên là nếu lỡ đam mê trading và phải tìm một sàn để bỏ tiền vào trade, hãy ưu tiên hàng đầu đến các sàn thuộc các tổ chức uy tín. Gần đây, có khá nhiều broker lớn đổ bộ vào Việt Nam và khách hàng đã có nhiều lựa chọn hơn, vì vậy, không quá khó để tiếp cận một sàn thuộc các tổ chức tài chính uy tín. Tuy nhiên, luôn ghi nhớ quy tắc:

1. Thử với số tiền nhỏ trước

2. Lập tức phản hồi ngay đến sàn nếu xảy ra các hiện tượng bất thường trong tài khoản như : bị khớp lệnh chậm, lệnh chốt không được, bị mất kết nối thường xuyên, bị xóa lệnh, xóa report… để xem sàn giải quyết ra sao.

3. Nếu sàn không thể giải quyết, hãy đưa tin lên cộng đồng thông qua các diễn đàn hoặc facebook…để cảnh báo những trader khác. Đừng bao giờ chọn giải pháp im lặng và suy nghĩ kiểu “của đi thay người”. Suy nghĩ kiểu đó chỉ biến mình thành mồi ngon trong giai đoạn hội nhập toàn cầu thôi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here